GỢI NHỚ QUÊ HƯƠNG
Quảng Trị quê em lắm gió lào
Những bờ cát trắng rặng phi lao
Chiều ra nghịch nước tìm sò ốc
Nghe gió lùa sang những ước ao.
Nguyên Đỗ
Phương ngữ Quảng Trị là một dạng từ ngữ địa phương, nó thể hiện cách nói, kiểu phát âm riêng của người Quảng Trị. Phương ngữ mang đậm bản sắc về văn hóa, xã hội, đời sống của con người ở mỗi vùng miền. Vì lẽ đó ca dao - một phần của dòng văn học truyền khẩu cũng không nằm ngoại lệ. Những bài ca dao mang phương ngữ của vùng đất gió Lào này sở dĩ dễ đi sâu vào lòng người, ngoài việc mang nhiều tính nghệ thuật, chúng còn được thổi hồn vào từng câu ca bằng ngôn ngữ riêng của người Quảng Trị. Tìm hiểu những bài ca dao về tình yêu mang đậm chất phương ngữ, chúng ta sẽ tìm thấy nét đẹp dân gian của dòng văn học này.
Tình yêu đôi lứa là hành trình muôn thuở để đi tìm cái đẹp, cái nửa còn lại của mình. Trong nhịp đập hàng ngày của cuộc sống, từ công việc đồng áng, nương vườn hay tham gia lễ hội nếu thiếu một nửa kia thì cuộc sống thật vô vị:
Có trai có gái mới bui
Có trai khung gái như trâu cui lọi sừng.
(Bui - vui; khung - không; trâu cui - trâu có sừng ngắn; lọi - gãy)
Với cấu trúc so sánh tương hỗ bổ sung độc đáo này hình tượng con trâu cui lọi sừng là một biểu hiện sinh động cho sự trơ trọi, sự mất cân bằng của tự nhiên.
Rất nhiều câu ca dao có hàm ý trên như:
Gái thiếu hơi trai, như khoai thiếu hơi cuốc.
Và đây là một trong những bài ca dao tác giả đã mô tả lẽ tự nhiên để tỏ tình:
Khoai to vôồng thì tốt cộ
Độ ba lá thì độ vừa un
Gà mất mạ thì gà lâu khun
Vịt thiếu trùn thì lâu nậy…
Trời sinh giếng thì sinh mo
Trời sinh o thì sinh tui.
(Vôồng - vồng; cộ - củ; độ - đậu; un - vun gốc; mạ - mẹ; khun - khôn; nậy - lớn; mo - gàu làm bằng mo cau)
Một kiểu nhập đề vòng vo, chàng trai mượn hình ảnh chân thực diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày cũng như đề cập đến những quy luật tự nhiên… để bắc cầu, để thổ lộ tình cảm của mình.
Từ trong gặp gỡ giao tiếp các cô gái đã có sự chọn lựa, khen chê bày tỏ quan điểm của mình về đối tượng. Đây là lời chê trách của cô gái đối với chàng trai làm nghề thợ mộc:
Tiếng đồn eng là thợ kép
Răng mực mẹo khung dò
Để đâu bức chéo nó thò lò kỳ mộộng ra.
(Eng - anh; thợ kép - thợ chính; răng - sao; Mực mẹo - ống mực để đo, đánh dấu; khung - không; dò - đo; đâu - đóng; bức chéo - bức ngăn; môộng- mộng)
Chỉ là một câu bông đùa nhưng qua phép ẩn dụ bài ca dao đã mang tính biểu cảm cao cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: mượn hình ảnh chế tác sản phẩm vụng về để nhắc nhở anh thợ đang hớ hênh trong trang phục.
Với quan niệm Nho giáo, trước “Thâm nghiêm kín cổng cao tường” việc tìm cách tiếp cận giới hồng quần thật sự không dễ (khó nhất chặt tre / khó nhì ve gái) vì vậy nhiều chàng trai không dám đường hoàng đi vào ngõ chính mà phải lén lút núp sau hè để tìm cách ve vãn nhìn trộm người thương. Và cô gái đã buông lời:
Cấy chi rọt rẹt sau hè
Coi chừng tắn mối hắn ve chuột chù.
(Cấy - cái; tắn - rắn; ve - tán tỉnh)
Đặt ra một vế nghi vấn nhưng một nửa vế kia gần như khẳng định, cô gái rất thông minh khi đưa ra một thông điệp: vừa mang tính đối phó với cha mẹ vừa đuổi khéo chàng trai với dụng ý hoàn cảnh không cho phép, đối tượng khó phù hợp…
Khó khăn là thế, chê trách là thế, nhưng khi đã tìm được cái nửa còn lại rồi, chúng ta hãy lắng nghe lời tỏ bày trong cái cảnh “dùng dằng nửa ở nửa về” của cô gái khi chia tay người yêu:
Eng về đừng có ngó lui
Kẻo tui ngó dọi (mà) bùi ngùi dớ dung.
(Ngó - nhìn; lui - quay lại; dọi - dõi theo; dớ dung - nhớ nhung)
Tương tự, tiếp tục lắng nghe câu ca dao sau:
Hai đứa miềng ưng chắc dư ri
Bọ mạ mần rứa eng thì mần răng?
(Miềng - mình; ưng - muốn, thích; dư - như; rứa - thế)
Đây là hai câu ca dao được coi là gây tranh luận khi bàn về nội dung, có người cho rằng đây là tâm sự của cô gái với chàng trai đang yêu nhau nhưng không được ba mẹ đồng ý. Trái lại, một dòng ý kiến khác lại cho rằng đây là người vợ gợi ý với chồng khi thấy cha mẹ đang “tình tứ”, người vợ muốn lang quân của mình thể hiện tình cảm yêu thương như những bậc sinh thành (!).
Muối mặn, gừng cay được coi là hai hình ảnh mang tính chất sâu đậm của tình yêu và sự thủy chung, hãy nghe người phụ nữ tỏ bày:
Tay bơng địa mói chắm gừng
Gừng cay mói mặn xin đừng bỏ dau.
(Bơng - bưng; địa - dĩa; mói - muối; chắm - chấm; dau - nhau)
Với lối ẩn dụ mang tính biểu cảm cao, câu ca đã lột tả được cái da diết trong tình yêu, cái xa xót trong thân phận của người phụ nữ - giai tầng được xã hội phong kiến mặc định như là kẻ phải nâng khăn sửa túi.
Sau hôn nhân, với không gian sinh hoạt xưa không phải đôi uyên ương nào cũng được thoải mái “ngả nghiêng loan phượng”, nhất cử nhất động của đôi vợ chồng trẻ đều được mẹ chồng quan tâm, nhất là lúc ở cữ, ốm đau hay sinh hoạt quá ngưỡng. Dẫu bồn chồn rạo rực nhớ nhung nhưng người vợ vẫn ý tứ:
Chuột kêu chút chít trung rương
Eng đi chù khéo (kẻo) đụng chờng (mà) mạ nghe!
(Trung - trong; rương - sập đựng; chù - cho; chờng - giường)
Chỉ gói ghém trong hai câu nhưng nó khái quát được cả không gian, thời gian, chuyển tải được nhiều ẩn ý của người vợ: vừa nhắc nhở vừa dặn dò, nó biểu lộ được nỗi khát khao nhưng hết sức đằm thắm của người phụ nữ miền quê.
Điểm qua đôi bài ca dao trữ tình mang phương ngữ Quảng Trị ta thấy được nét đẹp của chất liệu trong sáng tác, đó là nhiều ngôn từ mang vẻ mộc mạc dung dị nhưng rất giàu chất thơ. Điều đáng nói là giữa không gian bay bổng sáng tạo ấy nhưng những bài ca dao vẫn giữ được nét gần gũi với lời nói hằng ngày, đậm đà màu sắc địa phương và thấm đẫm tính dân tộc.
Tìm hiểu ca dao mang phương ngữ Quảng Trị chúng ta có dịp lần tìm về mạch nguồn quê hương, để lắng nghe và cảm nhận được nét độc đáo về con người và vùng đất Quảng Trị, nơi vẫn lắng đọng những trầm tích dân gian quý trong dòng chảy văn học.
K.G
Tục ngữ và câu đố là hai thể loại suy lý phổ biến ở Quảng Trị . Cũng như ở các nơi khác, tục ngữ Quảng Trị được phân làm hai tiểu loại:
Các câu phản ánh kinh nghiệm của nhân dân về thời tiết và sản xuất.
Các câu phản ánh kinh nghiệm của nhân dân về đời sống xã hội.
Nhìn chung, kinh nghiệm của nhân dân ở đau cũng tương tự như nhau. Ở Quảng Trị có những câu tục ngữ phản ánh kinh nghiệm của nhân dân về thời tiết như sau: Chớp ngã Cồn Tiên; Mưa liền một trộ; hoặc : Sấm Đầu mâu không cầu cũng đến.
Lại có những câu đề cập đến sản vật đặc biệt của từng địa phưưong. Chính qua những câu tục ngữ này, chúng ta lại càng hiểu sâu sắc hơn văn hoá vật chất của vùng đất Quảng Trị:
-Nem chợ Sãi, vải La Vang
-Khoai quán Ngang, dầu tràm Đại Nại
-Gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ
- Khoai từ Trà Bát, quạt chợ Sông
-Cá bống Bích La, gà Trại Lộc...
Kinh nghiệm về đời sống xã hội có những câu thật xác đáng và thực tế:
-Chạy lóc xóc không bằng góc vườn
-Nhiều nghề cá trê húp nác(nước)
Người miền núi cũng bày tỏ kinh nghiệm của họ:
- Đừng mau phai như hoa Toang-a-rát
- Đừng chóng bạc như vôi
- Xách bầu phải xem quai
- Địu con phải xem vải buộc
- Làm cỏ phải xem cán nắm
Về hình thức nghệ thuật, các câu tục ngữ ở Quảng Trị thường hợp vần theo lối yêu vận chứ không theo lối cước vận.
Câu đố Quảng Trị có thể phân thành những tiểu loại:
-Về những bộ phận cơ thể của con người
-Về những họat động của con người
-Về các con vật
-Về các loại cây trái
-Về các sự vật hiện tượng khác.
Qua những câu đố ấy, ta thấy được sự tinh vi trong những nhận xét về sự vật, con vật sống cạnh người, như đố về con gà trống:
Đầu rồng, đuôi phụng cánh tiên
Ngày năm bảy mụ tối ngủ riêng một mình.
Hoặc con chó :
Khen ai nho nhỏ
Mắt tỏ như gương
Tối trời như mực
Biết người thương ra chào
Có nhiều khi sự liên tưởng vô cùng sâu sắc. Đố về cau, trầu, vội có câu:
Hai cây cao đã nên cao
Một người dưới rào xa đã nên xa
Ba người họp lại một nhà
Kết duyên phu phụ duyên đà mặn duyên
Có thể nói sự thông minh dí dỏm, óc nhận xét tinh vi của người Quảng Trị đều được thể hiện trong câu đố:
Da non mà bọc lấy xương
Lửa cháy trên đầu chúa chẳng thương
Đêm năm canh tiêu hao mình thiếp
Nghĩ đến đoạn trường nước mắt nhỏ sa
( Cây đèn sáp)
Một mẹ sinh đặng ngàn con
Trai có gái có , tài khôn rõ ràng
Mặt trời đã xế vàng vàng
Con xa ngái mẹ lại càng thương thay
Cách nhau đã bốn năm ngày
Con lại gặp mẹ mừng thay là mừng
(Phiên chợ Cam Lộ)
Một số câu đố khác theo lối "đố tục giảng thanh" cũng thường được nhân dân Quảng Trị vận dụng để sáng tác.
Văn học dân gian Quảng Trị là sản phẩm của người dân ở vùng đất mới, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của dòng văn học truyền khẩu. Xét giá trị nội dung và nghệ thuật, văn học dân gian Quảng Trị có những nét riêng, đóng góp cho văn học dân gian Việt nam thêm phần phong phú.
Ngày 7 - 12 - 2017, UNESCO đã công nhận, vinh danh Nghệ thuật Bài chòi của 9 tỉnh, thành miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Trị là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này đã khẳng định vai trò của Bài chòi trong đời sống tinh thần của cộng đồng, tôn trọng những giá trị sáng tạo nghệ thuật của vùng đất Trung Bộ trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của nhân loại. Vào ngày 29 - 6 - 2018, tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Lễ vinh danh nghệ thuật Bài chòi. Từ đây, đã mở ra cơ hội mới cho chính quyền và người dân các địa phương phát huy nhiều hơn nữa giá trị nghệ thuật dân gian này trong đời sống văn hóa tinh thần. Bên cạnh đó, cũng đặt ra vấn đề cần phải làm gì để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của di sản Bài chòi?
Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về nghệ thuật chơi Bài chòi Quảng Trị, cùng một số giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của Nghệ thuật Bài chòi.
1. Giá trị văn hóa trong Bài chòi Quảng Trị
Bài chòi là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, là sản phẩm tinh thần độc đáo, quý giá ra đời từ rất lâu ở khu vực duyên hải miền Trung Trung Bộ, trong đó có vùng đất Quảng Trị. Tại hầu hết các làng Việt cổ truyền trên địa bàn Quảng Trị từ những năm 1945 trở về trước đều tồn tại một hình thức giải trí vào dịp tết - đó là đánh bài tới. Bài tới là một trò chơi giải trí chủ yếu dành cho các phụ nữ ở độ tuổi trung niên trở lên ngồi đánh trên các sạp chiếu và chỉ mang tính chất nhỏ lẻ trong từng gia đình. Về sau, đánh bài tới tại một số làng quê đã phát triển lên một bước mới về quy mô và cách thức, các làng đã tổ chức đánh bài ghế rồi tiến lên dựng chòi phía trước sân đình, sân chợ hay những bãi đất rộng gần đường qua lại để tổ chức hội Bài chòi, cờ chòi trong các dịp xuân đến, thu hút mọi lứa tuổi trong cộng đồng làng tham gia cuộc chơi.
Hội Bài chòi là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là phương tiện giao lưu tình cảm bền chặt, gắn bó cố kết cộng đồng bởi vì họ chính là người tổ chức, người chơi, người xem, lại là các nghệ nhân sáng tác các câu thai, là người nghệ sĩ tài ba trong việc ứng biến, biểu diễn và hô các câu thai... Đây chính là những nhân tố trực tiếp thúc đẩy thu hút người chơi ngày càng đông đảo đến với hội Bài chòi dân gian.
Bài chòi đem lại sự hồ hởi sảng khoái sau những tháng ngày lao động mệt nhọc bởi những sự lo toan trong cuộc sống đời thường. Bài chòi lại không gắn bó với các việc tế lễ tại các nơi thờ tự tôn nghiêm mà đơn thuần chỉ là trò chơi giải trí lành mạnh, người đến dự hội chơi không mang nặng tính ăn thua sát phạt đỏ đen mà chỉ thử vận hên xui trong dịp năm mới. Hơn nữa, đây là một ngày hội mà lại là hội xuân nên thu hút đông đảo người chơi.
Một tính chất dân gian khác vô cùng quan trọng đó là tình đoàn kết, tính tập thể trong hội chơi Bài chòi; trong một chòi chơi có thể ngồi chung cả vợ lẫn chồng cùng con cái, cũng có thể là các đôi bạn tri kỷ tâm giao... để cùng nhau thử vận hên xui đầu năm, rồi gặp gỡ, tìm hiểu trao duyên.
Từ tài nghệ của người chạy bài/ người hô thai, Bài chòi đã trở thành phương tiện truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông cho các thế hệ, đó là các câu ca dao, tục ngữ, các tích truyện có nội dung về tình yêu quê hương đất nước, yêu làng xóm, đạo hiếu với ông bà tổ tiên, nghĩa tình sâu đậm vợ chồng... Tất cả là các lời dạy, lời chỉ bảo, kinh nghiệm sống của cha ông truyền trao qua bao thế hệ. Đây chính là mấu chốt là chất keo để gắn kết cộng đồng làng xóm, dòng họ, các thành viên trong mọi gia đình.
Bài chòi mang giá trị đặc trưng về mặt nghệ thuật âm nhạc bình dân, đó là các tiết tấu dân gian quen thuộc, dễ hiểu dễ tiếp thu, chỉ với những nhạc cụ thông dụng trong cuộc sống như: trống, đàn nhị, đàn bầu, kèn, sanh... và các nhạc công là những người nông dân tay lấm chân bùn, nhưng trong các hội chơi Bài chòi họ đã phối kết hợp để tạo ra một buổi hòa âm nhịp nhàng, rộn ràng theo các làn điệu quen thuộc như: xuân nữ, xằng xê, cổ bản... phù hợp với các điệu hò khoan, hò mái nhì, hò giã gạo, hò ru con, hò đối đáp của người chạy bài/người hô thai thực hiện.
Các câu thai trong Bài chòi có lời mộc mạc, giản dị, chân chất mang đậm chất giọng địa phương và đặc trưng vùng miền, nên phù hợp với cuộc sống của người lao động tại các làng quê nhưng vẫn hàm chứa nội dung sâu xa mang đặc trưng của dòng văn học, thơ ca bình dân và đây là tiền đề để sau này dòng văn học hiện đại ra đời. Như câu thai về con Xơ: Cươi eng ba năm răng khôông chộ eng xuốc/ Tréc nọ sáu tháng răng khôông chộ eng chùi/ Trọ eng dư cục bùi nhùi/ Ra hò nhân ngãi với tui răng rồi.
2. Nghệ thuật trong cách chơi và thể lệ chơi
Tuy cùng sử dụng bộ bài tới (30 cặp) dán vào các thẻ tre để làm các con bài chơi, nhưng ở mỗi địa phương thường có các cách chơi, thể lệ chơi khác nhau. Theo nghiên cứu bước đầu ở một số làng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 3 cách chơi Bài chòi cơ bản và dựa vào đó để người ta dựng và bố trí các chòi chơi cho phù hợp như sau:
- Cách thứ nhất: Tại làng Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong)
Dựng 11 chòi con (chòi quân) được bố trí theo hình chữ U, trên mỗi chòi có treo một lá cờ theo số thứ tự; 1 chòi cái (chòi chỉ huy dành cho ban tổ chức và ban nhạc cổ) nằm đối diện.
Ban tổ chức phân bộ bài thành 11 phần bất kỳ, mỗi phần 5 con gọi là các tay bài (tuy nhiên mỗi tay bài không được phân 1 cặp bài giống nhau), 1 con để người chạy bài/người hô thai đi chợ, còn lại 4 con nhưng phải là 2 cặp giống nhau do ban tổ chức giữ lại (có thể là 2 cặp bài bất kỳ trong bộ bài tới). Khi ban tổ chức thông báo vào cuộc chơi thì người chạy bài mang các tay bài đến các chòi, mỗi chòi được quyền rút ngẫu nhiên 1 tay bài và để lại một con làm con đi chợ. Các chòi con mỗi lần đi hai con, con cuối cùng dùng để “chực tới”. Khi chòi nào thắng cuộc thì dùng mõ để báo hiệu (mỗi lần đi thì gõ mõ 3 tiếng, nếu tới thì gõ một hồi dài).
- Cách thứ hai: Tại làng Hà Thượng (thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh)
Dựng 10 chòi con, chia làm 2 phía 1 chòi ở chính giữa là chòi trung tâm hay còn gọi là chòi cái. Bộ bài chơi sơn 2 màu 30 quân xanh và 30 quân đỏ.
Theo quy định của ban tổ chức, hội chơi được chia làm 2 phe (mỗi phe 5 chòi ở cùng một phía). Sau đó người chơi mua vé để lên chòi chơi, trên vé có đánh số chòi, người chơi mua trúng chòi nào thì lên chòi đó. Khi người chơi đã lên đủ trên các chòi thì hai người chạy bài/hô thai tiến hành phát bài cho 10 chòi quân, mỗi chòi được chọn ngẫu nhiên 3 con bài, 30 con bài còn lại dốc ngược chỉ chừa lại phần chân đặt trong ống tre ở chòi cái.
Sau khi các chòi đã chọn xong bài, người chạy bài/hô bài thai bước đến ống tre đựng bài ở chòi cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài người chạy bài hô câu thai tên con bài. Chòi nào có đúng quân bài đó thì người chơi cầm mõ gõ lên ba tiếng, người phụ việc trong hội chơi đến trao cho một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Đến lúc chòi con nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô “tới” và gõ một hồi mõ kéo dài, lúc này âm thanh của các nhạc cụ vang lên báo hiệu có người thắng/tới.
- Cách thứ ba: Tại làng Đơn Duệ (xã Vĩnh Hòa), làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang) và khóm 5, khóm Vĩnh Tiến (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh)
Tùy vào quy định của ban tổ chức, người ta có thể dựng 9, 10, 11 chòi con và chia làm 2 phe, 1 chòi cái nằm ở vị trí trung tâm. Ban tổ chức phân bộ bài thành 2 phần, mỗi phần 30 con gọi là quân xanh - quân đỏ tương ứng với hai dãy chòi hai bên. Mỗi bên có một người chạy bài. Khi ban tổ chức xáo bài xong thì người chạy bài của mỗi bên cầm phần bài của mình đến các chòi, mỗi chòi được quyền rút ngẫu nhiên 5 con bài, riêng chòi trung tâm (chòi cái) được phát 6 con bài (mỗi người chạy bài phát 3 con) đội nào phát bài chậm thì con cuối cùng của đội đó làm con đi chợ. Bốn con còn lại được giữ ở chòi cái nhưng phải là 2 cặp bài bất kỳ. Các chòi con mỗi lần đi hai con, con cuối cùng dùng để “chực tới”, riêng 3 con bài tử, ầm và đỏ mỏ không được “chực”. Khi chòi nào thắng cuộc thì dùng mõ để báo hiệu.
Nghệ thuật của cách chơi này khá độc đáo, vì chia làm 2 phe trong các hiệp chơi nên đòi hỏi những chòi con trong mỗi đội cần có sự liên kết, tính toán, suy đoán và đặc biệt là nhớ kỹ các con bài khi đánh, phải làm sao để đối phương mình không thể tới được ván bài. Riêng 3 con bài tử, ầm và đỏ mỏ đó là các con bài chốt tới của mỗi đội, nhưng phải đánh trước khi có một chòi bất kỳ tới, nếu không thì sẽ bị phạt đền cả ván bài. Ngày nay, vì công nghệ thông tin hiện đại, nên ban tổ chức quy định những người chơi trước khi lên chòi không được mang theo điện thoại di động và các phương tiện liên lạc khác.
3. Nghệ thuật của người chạy bài/hô thai trong hội Bài chòi
Bài chòi là mội trong những hình thức nghệ thuật dân gian sinh động bởi bản thân nó đã có sự kết hợp khéo léo cả thơ ca, ca dao, tục ngữ với nhạc cổ truyền qua lối ứng tác, diễn xuất độc đáo và nhanh nhạy; tất cả đó được thể hiện qua khả năng trình diễn, đối đáp và thách đố của người chạy bài/người hô thai trong hội Bài chòi. Họ chính là những nông dân mộc mạc chân chất trong cuộc sống lao động bỗng hóa thành những diễn viên, những nghệ sỹ chân đất trong các hội Bài chòi. Những nét mộc mạc chân chất mang đậm tính dân gian ấy đã tạo ra nét đẹp hồn nhiên hiệu quả thu hút hấp dẫn người đến với hội chơi. Có thể khẳng định người hô thai là linh hồn, là sức sống quyết định thành công trong hội Bài chòi.
Người chạy bài vừa là người hô thai để thách đố các bạn chơi trên tất cả các chòi, do vậy các câu hô thai luôn biến đổi không theo một bài bản nhất định để tránh sự nhàm chán. Từ ngữ trong câu thai có thể nói xuôi, nói ngược, nói lối, nói lóng... với nghĩa đen, nghĩa bóng nhưng hàm nghĩa phải sát đúng với con bài để người chơi đoán định. Người chạy bài phải là người nghệ sĩ tài hoa thông thuộc nhiều câu ca dao, tục ngữ cũng như các tích tuồng để thách đố các chòi chơi và phe chơi của quân mình khi chia làm 2 phe. Họ phải là người tài trí thông minh, nhanh nhạy, ứng biến vạn trạng của người hô thai mà người Quảng Trị quen gọi là “hò mui méng” (hò đầu môi) để khen ngợi, ví von họ. Trong tất cả 30 con bài của bộ bài tới cứ mỗi con bài thường được ứng với một hay nhiều câu thai khác nhau. Mỗi câu thai được hô theo những làn điệu, tích tuồng cụ thể mà người ta dựa vào đó để sáng tác, ứng tác nội dung các câu hò nhưng chủ yếu là các làn điệu hò khoan, hò mái nhì, hò giã gạo, hò ru con, hò đối đáp... Lời câu thai không bóng bẩy, cầu kỳ mà mang tính hồn nhiên, trong trẻo dễ nhớ, dễ ăn sâu và đi vào lòng người.
Ví dụ: Cách hò con Tuyết theo lối đối đáp nam, nữ:
- Em trao anh một nắm bắp rang
Ni trỉa mai moọc thiếp với chàng trao duyên
- Bên em có miếng đất hoang
Mưa 3 năm không ướt, hạn 6 tháng không khô
Em bằng lòng cho anh trỉa, trỉa vô thì moọc liền
Cũng có thể hò theo lối ru con và theo tích tuồng Thoại Khanh - Châu Tuấn về con Nghèo:
Ạ ơi ờ, chàng ơi ai vẹ cho chàng
Lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây
Ờ ơ ờ chừ cây khô xuống nước cũng khô
Phận nghèo mà đi tới nơi mô cũng nghèo.
Vừa là người ca sỹ biểu diễn các làn điệu hò thai, vừa là nhà thông thái để ứng khẩu trong mọi tình huống nhưng chính họ lại là nghệ sỹ hài mua vui cho bà con cô bác có mặt trong hội chơi. Từ bộ mặt đến dáng điệu của người chạy bài/hô thai có sự kết hợp nhuần nhuyễn để thể hiện sát đúng với nội dung con bài; tuy vậy vẫn gây được tiếng cười cho mọi tầng lớp khán giả; nhưng vẫn ở mức độ chừng mực, ý tứ, đáo để làm mọi người có mặt ngẫm lâu cười khoái. Tất cả hình thức bên ngoài của họ đều chỉ mang tính phụ họa gây cười tạo không khí vui vẻ cho người đến dự hội Bài chòi đầu xuân. Theo những người có mặt trong hội Bài chòi thì niềm vui này là vận may, vận phúc đem tiếng cười đến với họ trong suốt cả năm mới.
Mặc dầu không cầu kỳ như những diễn viên lên sân khấu với các trang phục lộng lẫy đẹp mắt; người chạy bài/hô thai thường sử dụng trang phục thường ngày của họ đó là bộ bà ba truyền thống của người Quảng Trị với chất liệu và màu sắc giản dị có thể đen hay nâu sòng, để phân biệt với khán giả trong hội chơi có chăng họ chỉ điểm xuyết thêm một vài chỗ như thắt nơ trên đầu hay buộc đai bên hông.
Các động tác biểu diễn của họ không có bàn tay của đạo diễn sân khấu, không có nghệ thuật hay kỹ thuật dàn dựng mà tất cả chỉ là sự ngẫu hứng, nên hoàn toàn không bài bản hay quy cách cụ thể nào. Thông thường mỗi cuộc chơi thường có hai đến bốn người thay đổi nhau để hô thai.
Ngôn ngữ các câu hô thai chân chất dung dị, lời thơ mộc mạc chân quê hợp tình, hợp lý. Nếu nói thì nói theo kiểu ngụ ngôn, thành ngữ hay dùng ngắn gọn, dễ nhớ. Nếu hề thì đi theo lối truyện tiếu lâm dân gian ngô nghê, hóm hỉnh. Nếu thách đố thì rất tục và dân dã, mộc mạc nhưng giải nghĩa thì thanh thoát đến lạ lùng. Ví dụ để thách đố con Đượng có các câu thai:
Đò em đưa đón bộ hành,
Ghe con một chiếc tứ anh trọn bề,
Trải qua mưa nắng dầm dề,
Quanh năm chèo chống tứ bề sóng xô,
Tiếng ai văng vẳng gọi đò,
Mau mau nhổ nọc chèo qua đón người
Hay:
Em ơi răng mà xem lên thì sáng ràng sáng rạng,
Ngó lên đã thấy mặt trời.
Vì anh say giấc ngủ nên con bướm em nó vô chơi lộng chừng.
- Hoặc con Ngủ
Chợ đang đông răng em không ra giảo lượn hơn thua.
Để mần chi cho chợ tan quán tắt thì vò vọ với cua ghềnh em cũng quơ.
Hay: Tham chi cờ bạc anh ơi,
Đêm đi ngày ngủ mọi người cười cho.
- Con Gối:
Đêm nằm nghe vạc kêu sương,
Xuân về lòng nhớ người thương chung tình.
Nhưng có cách hô khác:
Ngó lên trên trời thì thấy tàu bay tợ dường như con én liệng
Ngó xuống dưới đất thì thấy tàu điện chạy liên miên
Ơi tình ơi nợ ơi duyên.
Có nơi mô kết vấn thề nguyền
Để mần chi bữa ni chờ bữa mai đợi để lợ căn duyên cho bạn cười.
Với các dụng cụ trong đội nhạc cổ truyền thống như: trống, đàn nhị, sanh, kèn đã hỗ trợ rất nhiều cho người hô thai và các động tác diễn xuất. Bà con xa gần đến hội chơi đều ước muốn được nghe tiếng hô hay của người chạy bài với nhiều câu thai mới lạ, hòa đồng với tiếng nhạc tiếng đàn truyền thống thế là đã thu hút được người chơi.
Rõ ràng, từ xa xưa cha ông chúng ta đã dùng trò chơi Bài chòi đầy nghệ thuật văn hóa để bài trừ các hủ tục xấu trong xã hội, nhất là mê tín dị đoan, đồng bóng bói toán; vậy nên tại Quảng Trị tùy theo phong tục tập quán, tín ngưỡng của mỗi làng, mỗi vùng đã xuất hiện những kiểu, cách chơi với nhiều câu thai mới lạ... tuy có khác nhau nhưng tựu trung đều rất lành mạnh, bổ ích đúng nghĩa với nét đẹp của nghệ thuật dân gian Quảng Trị.
4. Một số giải pháp bảo tồn
Để bảo tồn và phát huy giá trị Bài chòi, chúng tôi xin đề xuất những giải pháp sau:
Kết quả nghiên cứu về nghệ thuật chơi Bài chòi Quảng Trị cần được phát hành rộng rãi trên các phương tiện thông tin để tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ, đây là việc làm cần tiến hành liên tục, lâu dài với sự phối kết hợp của các ngành, các địa phương, vì họ chính là chiếc cầu nối để đưa di sản Bài chòi trở về với cộng đồng, về với chủ thể tạo.
Khoa học hóa toàn bộ tư liệu, hiện vật sau đó đề ra các biện pháp tối ưu cho hoạt động khôi phục hội Bài chòi tại một số cộng đồng làng xã, tạo ra sân chơi lành mạnh cho mọi tầng lớp nhân dân trong các dịp lễ tết…
Cần nhanh chóng rà soát tôn vinh và đề nghị Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý đối với các nghệ nhân và ban hành chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích những người có công, có tài năng truyền dạy phát huy giá trị của Nghệ thuật Bài chòi đến với đông đảo quần chúng nhân dân nhất là thế hệ trẻ. Bởi vì, nghệ nhân chính là báu vật sống để họ không ngừng sáng tạo, trao truyền và kế thừa cho các thế hệ, có như vậy di sản văn hóa Bài chòi mới phục hồi và trường tồn mãi mãi.
Tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước đi đôi với nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ và phát huy di sản nghệ thuật Bài chòi dân gian.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản Bài chòi cần thiết phải đặt trong một kế hoạch bảo tồn lâu dài, mang tính khoa học, có như vậy mới bảo vệ được di sản truyền thống mà cha ông để lại.
Có thể khẳng định với những đặc trưng cơ bản, những giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật và thể lệ chơi khá phong phú đa dạng, lại khác xa so với một số tỉnh ở miền Trung, cùng với sự tài hoa của người nông dân hóa thân làm nghệ sỹ, nhạc sỹ đang diễn trên sân khấu quê nhà... Tất cả đủ để làm thỏa mãn mong ước của người chơi và dân chúng xa gần, đó chính là sức hút mạnh mẽ trong hội Bài chòi Quảng Trị.
C.T.V
Cái Thị Vượng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 287
HÁT RU QUẢNG TRỊ
HÁT RU QUẢNG TRỊ
1. Khái niệm
Hát ru là một thể loại dân ca, thường được hát để ru trẻ em đi vào giấc ngủ. Hát ru có giai điệu êm dịu, nhẹ nhàng, đơn giản. Lời ca hát ru thường được lấy từ ca dao, dân ca, đồng dao, hò, vè dân gian. Hát ru mang đậm nét đặc trưng văn hoá của mỗi vùng quê, mỗi dân tộc và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
2. Đặc điểm của hát ru Quảng Trị
Về nội dung, hát ru Quảng Trị vô cùng phong phú và đa dạng, thường viết về những đề tài sau:
* Hát ru về thiên nhiên
Trong lời hát ru Quảng Trị, hình ảnh thiên nhiên xuất hiện nhiều, đa dạng và phong phú. Đó là những hình ảnh bình dị thân thuộc như trăng, sao, mưa, gió…
Thông qua những hình ảnh thiên nhiên, lời ru đã hướng đứa trẻ đến một thế giới xinh đẹp, giúp trẻ hiểu về thiên nhiên, có lối sống gần gũi với thiên nhiên và hình thành tình yêu thiên nhiên.
* Hát ru về tình cảm gia đình
Xuất phát từ mong muốn đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành người hiếu nghĩa, vẹn toàn, lời ru Quảng Trị mang tính giáo dục đạo đức, nhân cách đặc biệt là vun đắp tình cảm gia đình. Lời hát ru của mẹ, của bà cất lên đều là những lời hay lẽ phải, mong con trở thành đứa con ngoan, biết nhớ ơn, yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ, hoà thuận với anh chị em. Mong con sẽ giữ mãi trong lòng và mang theo suốt cả cuộc đời.
* Hát ru về con người và xã hội
Trong lời ru Quảng Trị, những địa danh, những tập quán sinh hoạt, những bài học về cách đối nhân xử thế đều được bà và mẹ gửi gắm đến trẻ một cách nhẹ nhàng. Những lời hát ru mang giá trị nhân văn cao đẹp góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, để mỗi đứa trẻ lớn lên có nhân cách toàn diện, ý thức được cội nguồn và có trách nhiệm với quê hương, đất nước.
* Hát ru về tâm sự kín đáo của người phụ nữ
Lời ru Quảng Trị có chức năng kép, ru cho trẻ ngủ và ru cho nỗi lòng của người mẹ. Người mẹ dùng hát ru như một cách bày tỏ khéo léo những tâm sự tầm kín của mình, để cho những người trưởng thành gần cận nghe và thấu hiểu. Qua hát ru, người “ngoài cuộc” có cơ hội thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia, giữ cho mối quan hệ được tốt đẹp và khăng khít.
3. Nghệ thuật của hát ru Quảng Trị
Hát ru là một loại hình nghệ thuật đặc trưng với làn điệu trữ tình sâu lắng, lời ca giản dị, mộc mạc.
Về thể thơ, hát ru Quảng Trị chủ yếu dùng thể thơ lục bát, một thể thơ có vần điệu dễ nhớ, dễ hát và truyền cảm.
Về mặt cấu trúc, một bài hát ru Quảng Trị thường có ba phần: mở - thân – đóng với lời đưa hơi đặc trưng “À…ơi”.
Về mặt ngôn ngữ, hát ru Quảng Trị thường lấy phần lời của ca dao, ngôn ngữ bình dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân.
4. Giá trị văn hoá trong hát ru Quảng Trị
Những lời ru nhẹ nhàng ẩn chứa giá trị văn hoá cao quý, tạo dựng nên một không gian văn hoá, một tâm hồn nhân hậu. Qua hát ru, tác giả dân gian gửi gắm những triết lý sống, những bài học, điều hay lẽ phải trong cuôc sống, mong rằng đứa trẻ sẽ khôn lớn thành người, có khát vọng, ước mơ tốt đẹp. Hát ru còn mở ra một kho tàng văn hoá tiềm ẩn giúp cho trẻ thêm hiểu biết về lối sống, lịch sử địa lí, phong tục tập quán Quảng Trị. Từ đó, các em thêm hiểu biết, thêm yêu và gắn bó với quê hương mình.
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.